Ôi quê tôi vẫn còn mái nhà
Liêu xiêu. liêu xiêu thơm mùi khói chiều
Hôm nay nghe bài Ôi quê tôi do Tùng Dương thể hiện mình lại tự dưng thấy nhớ nhà quá.
Quê mình là một làng quê thanh bình. Mình gọi là thanh bình không phải là gọi theo kiểu văn hoa mỹ từ, mà mình gọi theo cái cảm nhận của mình. Quê mình thực sự là một vùng quê thanh bình.
Người dân nơi đây chưa hẳn là đã có cuộc sống giàu sang nhưng lại có một cuộc sống không gợn một chút sóng gió. Cùng với quá trình giàu lên của các làng khác, thôn khác, thôn nhà mình cũng giàu lên trông thấy. Tuy không bằng làng trong vì có nhiều người đi xuất khẩu lao động, hay là không giàu vì 2 làng bên vì có nhiều đất và ruộng để bán. Làng mình họ giàu lên bằng chính đôi tay lao động, giàu lên bằng chính mảnh đất màu mỡ đã gắn bó với họ bao đời.
Người dân làng mình vẫn chủ yếu sống bằng Nông nghiệp, quanh năm cấy lúa làm mầu, ngoài ra có thêm một tí nghề phụ là đi làm thuê. Đã không biết bao nhiêu người lúc nào miệng cũng nói là không thèm làm nữa, hoặc là bỏ bỏ cỏ, không làm gì nữa, hoặc làm làm gì cho mệt. Nhưng họ những con người đó miệng chỉ nói vậy thôi chứ đã mấy ai bỏ ruộng chơi không. Những mảnh đất quanh năm bận bịu, hết cấy lại trồng. Trên những mảnh đất ấy người ta canh tác, trồng trọt để nuôi cuộc sống của mình. Họ nói là bỏ chứ đã mấy ai bỏ, không trồng thứ này lại trồng thứ khác, có bao giờ nghỉ ngơi. Quanh năm chỉ có làm và làm thôi. Đất không phụ lòng người, trên những mảnh đất phì nhiêu ấy đã nuôi sống biết bao thế hệ như mình. Tiền ăn học, tiền chơi và cả chi phí để trưởng thành cũng từ mồ hôi công sức trên những mảnh ruộng ấy.
Vì là nông dân nên những con người ở đây cũng mộc mạc như những thửa ruộng vậy. Họ hồn hậu, chất phác và cũng ích kỷ tò mò. Hễ thấy ai hơn mình là ganh ghét là đố kỵ là nói xấu. Hễ cứ cần vận động cái gì cho phong trào chung là họ từ chối. Nhưng đối với mình họ vẫn rất đáng yêu. Có rất íhiện tượng con lấy sổ đỏ của cha mẹ đi cắm lấy tiền đánh bạc, và cũng chưa thấy có hiện tượng lấy vàng của cha mẹ đi cắm. Cũng có lẽ là do cha mẹ họ cũng lấy đâu ra tiền mà cắm mà lấy.
Mình còn nhớ không quên có năm mưa lụt trắng đồng, người dân phải ra đồng nhìn dòng nước lũ cuốn trôi hoa mầu. Họ đau, họ xót, họ than ông trời phụ công người cày cấy. Nhưng trời chỉ thử bụng ta thế thôi, vụ sau mùa sau họ lại canh tác, chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Những đứa con của họ sinh ra và lớn lên trong cảnh yên bình thực sự. Chơi đùa với nhau vô tư mà không có chút nghi ngờ và cảnh giác. Chúng nó không phải lo xếp hàng để được vào trường mầm non, chúng nó không phải lo bị bắt cóc tống tiền. Mà chúng chỉ lo không có tiền đi học thôi. Mặc dù nghèo khổ, nhưng hễ con nhà ai mà học được, học giỏi là cho đi học hết mình, không tiếc tiền.
Sáng dạy sớm các mẹ rủ nhau đi chợ. Đi từ gà gáy nửa đêm đến sáng đã thấy có mặt ở nhà để đi làm đồng. Đến mùa lạc các mẹ lại rủ nhau đi nhặt lạc thuê.
Mỗi khi mình về quê lại thấy một ít thay đổi là mình vui lắm. Có những khi về đúng lúc lúa chín. Mùi lúa chín thơm lừng, làm cho mình đê mê, ngây ngất. Có lẽ dù sau này đi xa đến đâu mình cũng không thể nào quên cái mùi lúa chín đặc trưng ấy. Đến mùa vải mà về đúng dịp vải chín thì thôi rồi. Mình cũng muốn nóng theo cái không khí của mùa bán vải. Tíu tít trên cây, hết chuyện này đến chuyện khác.
Ôi tất cả còn nguyên trong ký ức của mình như vừa mới hôm qua chưa thể nào quên được.
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Oi-Que-Toi-Tung-Duong/IWZAWO6O.html
14 năm trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét